Bốc và sử dụng bát hương trong gia đình thế nào cho đúng?
Chuẩn bị cho việc bốc bát hương
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội), đối với người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng thì bát hương (hay bát nhang) là một vật linh thiêng dùng để thờ cúng trong mỗi gia đình.
Đó là nơi con cháu hướng lòng tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần linh cai quản ở mảnh đất của gia đình... nhằm cầu mong sự an lành, bình yên.
Đại đức Kiên cũng cho hay, ai cũng có thể bốc được bát hương, nhưng sẽ là tốt nhất nếu đó là người trong gia đình, có thể là vợ hoặc chồng hay bố mẹ, ông bà.
Tuy nhiên, hiện nay, do một số điều kiện nên không ít gia đình lên chùa nhờ chính các nhà sư hay một số pháp sư bốc cho.
Dù là ai thì người bốc cũng phải là người thành tâm và khi bốc chân tay phải sạch sẽ. Có người cẩn thận còn phải tắm rửa sau đó, rửa bằng nước gừng để tẩy uế tạp.
Về quy trình tiến hành bốc bát hương (bát nhang), theo Đại đức Kiên sẽ có các bước như sau:
Chuẩn bị bát hương: Tùy theo nhu cầu mà mỗi gia đình có thể lựa chọn các loại bát hương bằng gốm sứ hoặc chất liệu với mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc khác nhau.
Sau khi mua bát hương về cần phải lau rửa sạch. Có thể dùng gừng giã nhỏ cho và rượu trắng hoặc cho vào nước rồi đun sôi lên để lau rửa bát hương. Dùng khăn sạch nhúng vào đó và lau bát hương để tẩy trừ đi những uế tạp ở bát hương.
Lau xong để ráo nước hoặc dùng khăn khô khác lau lại cho khô ráo.
Việc chuẩn bị tro: Đối với tro, trước đây, các cụ thường chọn loại rơm nếp, được cắt và làm sạch, phơi khô, để riêng. Trước khi đốt thành tro thì dùng nước hoặc rượu gừng vẩy lên rơm để tẩy uế.
Còn hiện nay, loại tro này được bán ngay tại các cửa hàng mã. Ngoài tro, cần chuẩn bị một trong thất bảo của nhà Phật bao gồm: vàng, bạc, mã não, ngọc, san hô... Tối thiểu có ba thứ là vàng, bạc, ngọc.
Các chữ này được bọc bởi 1 tờ giấy tráng kim dùng bút đỏ đã được làm phép chú bút, chú giấy, chú mực ghi một số chữ.
Lưu ý không nên cho các loại giấy trang kim, đồ giả bán sẵn ở các hàng mã. Cũng không nên cho bùa chú.
Trước khi bốc bát nhang cần phải rửa tay chân sạch sẽ.
Bốc và sử dụng bát hương như thế nào cho đúng?
Quá trình bốc: Khi bốc bát hương thì bốc lần lượt từng nắm tro đặt vào. Để cho yên tâm, nhà chùa thường khuyên đếm theo số sinh như "sinh, lão, bệnh, tử".
Lần lượt đếm và bốc tro đến khi gần đầy miệng bát. Thông thường, khi đến nắm cuối cùng sẽ dừng lại ở số "sinh".
Khi bốc nên bốc từng nắm cho vào đầy và lắc chứ không nên ấn hoặc nèn chặt.
Trước khi bốc bát hương nào thì cũng phải khấn nhỏ là "Con ... (họ tên)... xin bốc bát hương cho thần linh (thần linh/gia tiên...)".
Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Thông thường, các gia đình thường bốc ba bát hương, thờ quan thần linh, gia tiên, bà cô hoặc ông mãnh. Còn đối với các cửa hàng, công ty thì bốc bát hương thần tài.
Trong quá trình bốc, nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ phải bỏ ra.
Sau cùng là đọc Kinh hay Chú Mật Tông để an vị bát nhang. Khi làm lần đầu, người bốc bát hương cắm cây chữ Thọ bằng đồng để thắp hương vòng; cắm 9 hay 3 cây nhang tùy bát của Phật hay các tầng khác.
Lúc an vị cần đặt bát hương ngay ngắn sao cho mặt nguyệt (lưỡng nghi) nằm trên trục vuông góc với bàn thờ và theo hướng bàn thờ và bát nhang chính ở vị trí giữa (so với 2 cạnh bên bàn thờ).
Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải.
Sử dụng bát hương: Khi đã bốc xong, gia chủ phải đặt bát hương nơi bàn thờ sạch sẽ, không nên để uế tạp.
Mỗi khi sắp xếp lại ban thờ (thường vào 23 và 30 tháng Chạp) phải khấn vái, xin phép và chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn,...
Còn bát nhang, bài vị đã định vị thì không được xê dịch. Khi vệ sinh bát nhang, bài vị phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu cho pha gừng giã nhỏ, nước hoa lau cho sạch.
Đồng thời, khi chân nhang quá nhiều cần rút bớt, nhớ để lại 5 chân. Những chân nhang đã nhổ cần đem đốt, thả tro xuống sông suối.
Bát nhang bỏ đi (ví dụ bát nhang của ban thờ vong) cần thả xuống sông suối (tốt nhất là đặt trên miếng xốp nổi), tránh vất nơi uế tạp.
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, trong tháng 12 âm lịch năm Giáp Ngọ, các giờ 8g ngày 10/12 âm lịch (thứ 5), 14g ngày 14/12 âm lịch (thứ 2), 14g ngày 16/12 âm lịch (thứ 4), 16g ngày 17/12 âm lịch (thứ 5), 15 - 17g ngày 18/12 âm lịch (thứ 6), 12g ngày 20/12 âm lịch (chủ nhật), và 8g 21/12 âm lịch (thứ 2) và ngày 23 tháng Chạp thì có thể tiến hành nhổ chân hương và thay bát hương.