Những lưu ý khi bốc lại bát hương cuối năm
Dịp cuối năm là lúc con cháu hướng về tổ tiên, các vị thần linh cầu mong sự bình an, tỏ lòng hiếu thuận. Vào cuối năm, các gia đình sẽ lau dọn bàn thờ và không quên bốc lại bát hương mới.
Lý do của việc thay đổi này là do trong nhà đang có nhiều bát hương cần gộp lại, hoặc có ít quá (một bát chung) cần tách ra, hay thay đổi bát hương cho đồng bộ...
Bất cứ ai cũng có thể bốc được bát hương, miễn là thành tâm và thân thể sạch sẽ
Một số điều cần phải lưu ý khi bốc lại bát hương:
Đầu tiên, chúng ta thường nghĩ người bốc bát hương phải là người cao minh, thường là các thầy hoặc pháp sư. Thực tế, ai cũng có thể bốc được bát hương, nhưng gia chủ đích thân bốc là tốt nhất. Đó phải là người thành tâm và chân tay sạch sẽ. Nhờ người bốc, nhiều khi người ta cho bùa chú, hay các hạt nhựa (ngoài cửa hàng gọi là đá) vào sẽ không tốt.
Tiếp theo, bát hương đã bốc xong phải đặt trên bàn thờ được dọn sạch sẽ, gọn gàng. Tốt nhất nên tham khảo thêm cách bày trí bàn thờ theo phong thủy. Chú ý là những đồ bày trên bàn thờ, dùng cho thờ cúng, chứ không phải bày cho đẹp, mua đủ thứ đồ nhựa nhiều màu sắc về là không tốt. Có thể bày tiền vàng mã, tiền xu, chứ không bày tiền thật. Bởi vì khi đặt tiền thật trên mâm lễ, trên ban thờ... thì thần linh, gia tiên (người mình cần cầu xin) rất khó về, những nguyện cầu (nhỏ) của mình khó được đáp ứng.
Vào ngày Tết ông Táo, có thể bày thêm bánh kẹo, đồ mã (là phong tục, nhưng hạn chế, vì đốt nhiều gây ô nhiễm môi trường). Vào ngày 30 Tết đến mùng 5, dán Táo quân phù để mời Táo quân quay lại.
Tổng hợp